Xem bài viết riêng lẻ
  #16  
Cũ 16-09-10, 11:47 AM
Avatar của Huyzozo
Huyzozo Huyzozo đang ẩn
CM Tam Thập Huy
 
Tham gia ngày: Apr 2010
Bài gửi: 490
Thanks: 2.447
Thanked 1.489 Times in 450 Posts
Mặc định

VLTD-11

Bài thơ viết về chữ “Hiếu”, là tấm lòng biết ơn sâu sắc của đứa con dành tặng mẹ cha. Nói là sai chủ đề cũng không hẳn, nhưng chủ đề viết về mẹ thôi thì bạn chưa thật sát.
Tứ thơ tám chữ gieo vần tiếp, kết hợp vần lưng rất ngọt, rất thuần thục. Hình tượng trong bài thơ cũng đã cũ mòn, nặng tính kể lể, không có điểm nhấn.
Không có điểm sáng tạo.
Không có sai sót nên bạn được thêm 10 điểm.

VTTD-12

Nội dung bài thơ rất hay: Đứa con nhân mùa Vu Lan muốn viết tặng mẹ một bài thơ tâm huyết nhất từ bao lâu ấp ủ mà cầu từ nào cũng thấy chưa đủ.
Tứ thơ tám chữ gieo vần cách 1 vần bằng, rất ngọt, rất thuần thục. Tuy nhiên, giá gieo thêm vần trắc thì sẽ giá trị cao hơn. Hình tượng mà bạn muốn gửi gắm không chỉ rộng (Mẹ là Sao? Là Trăng? Là Nắng?/ Là Bầu Trời? Là Ngọn Lửa? Ngọc? Châu?) mà còn khá sâu (Mẹ thiêng liêng kỳ diệu của tinh cầu/ hay Đổi cả đời không trả hết công lao).
Điểm sáng tạo 10/10 cho sự liên tưởng trong 2 câu: “Mẹ như hoa, con thợ vẽ non nghề” và “Cây cặm cụi, oằn lưng mình chắt nhựa”.
Không có sai sót nên bạn được thêm 10 điểm.


VLTD-13

Nội dung bài thơ khá hay, diễn tả đứa con khi đã lớn khôn nhớ về công ơn của mẹ. Bạn rất thành công khi nhắc đến những kỷ niệm thời thơ bé và liên tưởng đến hôm nay muốn mẹ bạn vui vì trò chơi ấy được diễn ngược vai. Tôi đánh giá cao ý tưởng của bài thơ. Tuy vậy, vẫn chỉ dừng ở tình cảm mẹ con mà chưa khai thác hết các mặt khác trong đức tính người mẹ (làm con, làm dâu, làm vợ, làm người công dân).
Tứ thơ 6 chữ tự do gieo vần không kết hợp các kiểu vần tiếp, vần chéo và ba vần, bố cục rõ ràng, mạch lạc như một bài văn. Đó là sự sáng tạo nhưng cũng làm cho cấu trúc thơ không đồng nhất. Tuy nhiên, nó không hề ảnh hưởng đến chất lượng nếu tác giả biết cách phối thanh. Bạn chưa thành công ở điểm này.
Điểm sáng tạo 10/10 cho ý tưởng “Chơi với má” và câu kết: “Bên má con hoài bé nhỏ/ Bình yên đi suốt bao mùa.”.
Tuy vậy, bạn đã quá say sưa khi đưa vào “Con làm con ngựa phi mau/ Cõng má băng ngàn vượt suối/ Kỵ sĩ say gió lắc đầu” dù ý tưởng hay nhưng chưa thuyết phục.
nên bạn được thêm 8 điểm.



VLTD-14
Bài thơ có phong cách diễn đạt rất thú vị. Tứ thơ 5 chữ tự do dễ thương, gieo vần tiếp rất tự nhiên. Thủ pháp điệp ngữ tạo dấu nhấn kết hợp sự chhắt lọc câu chữ làm cho bài thơ rất sinh động, thanh thoát. Tưởng nhớ mẹ mà không hề ủy mị. Cả nội dung và nghệ thuật đều hay. Tôi rất thích bài này.




VLTD-15


Bài thơ có điểm rất mới, người mẹ của bạn không phải là mẹ riêng mà là Bà Mẹ Việt Nam, người Mẹ anh hùng. Tôi đánh giá cao ý tưởng này.

Tứ thơ lục bát khá đẹp. Rất tiếc vì sơ ý mà chênh một vần: “Con thơ chân bước trăm miền/ Sông sâu rừng thẳm biên cương xa mù.”=> Quá uổng vì sửa nào khó khăn gì! Từ “con thơ” không chính xác, “chân bước” thì lộ liễu quá. Nếu viết “Thương con dầu dãi trăm miền/ Biển khơi, rừng thẳm, đường biên mịt mù” thì hợp hơn. Hình tượng “Con cò cĩng nắng” rất đắt, được lặp lại càng tạo nên điểm nhấn. Sai chính tả “gióng giả”.



VLTD-16
Bài thơ không có điều chi mới mẻ, ý thơ nghèo, lời thơ chưa thoát, âm điệu chưa hay. Hình tượng “chiếc lá mùa thu” ví von với tuổi già của mẹ rất hay, nhưng rất tiếc “gió giật, cây lay, Mẹ rụng” => Vay mượn ý tưởng từ lời bài hát “Mừng tuổi mẹ” của Trần Long Ẩn.



VLDL-01


Bài thơ ví tấm lòng mẹ bao la như muôn trùng sóng biển. Ý tưởng không mới, nhưng tác giả chọn thể hiện bài thơ theo thể Đường luật. Câu thừa đề lẽ ra nên phát triển thì lại nhắc lại “Tình thương” cũng tương đương “Lòng mẹ”, đó là một lỗi khá căn bản. Ơn dưỡng dục, sinh thành lẽ ra ở cặp luận mới đúng, tương tự 2 câu 5 và 6 đưa lên cặp thực thì bố cục bài thơ mới chuẩn. Ý thơ không mới

Bài thơ phối hợp thanh khá tốt, nhưng hai vần cuối chưa đảo. Tiếc là câu 3 bị trùng 3 thanh không (lỗi nhỏ thôi, nhưng tránh được thì tốt hơn). Động từ “đếm” đi kèm “chẳng vơi” hơi gượng. Tương tự, “gồng sương” và “gánh nắng” dù chỉ là ẩn dụ, nhưng từ ngũ giá chọn phù hợp sẽ d0ắt hơn. Tôi đáng giá cao phần kết của bạn, đặc biệt là mượn hình tượng “chiều” để nói đến tuổi tác và sức vóc của mẹ.


VLTD-17
NX đánh giá cao ý tưởng và nội dung bài thơ. Chỉ từ chiếc áo mẹ để lại bạn đã đạt được hai mục tiêu cần đưa đến độc giả: (1) là tình thương và sự chắt chiu, tảo tần của mẹ và (2) là chữ hiếu bạn đã và luôn hướng tới. Bạn có người mẹ rất tuyệt vời và tất cả chúng ta đều có những người mẹ tuyệt vời. Nhưng những ký ức riêng thời thơ ấu, một vật kỷ niệm hay hình bóng gợi nhớ mẹ hiền thì không ai giống ai. Bạn đã rất thành công khi diễn ta được điều bạn muốn nói.



VLTD-18


Nội dung bài thơ là rất nhiều điều bạn muốn nói: tình yêu của mẹ dạt dào, đức hy sinh cao cả, một dạ thờ chồng, lo lắng, chăm chút cho con. Tuy nhiên ý tưiởng không mới và tứ thơ còn non nớt, luật vần chưa thạo.



VLTD-19


Bạn mượn hình ảnh bếp lửa mùa đông để nói về mẹ. hai câu kết bám sát chủ đề, khá thành công. Ý tưởng rất hay, nhưng sự khai thác chưa thật tốt, những chi tiết cụ thể bên cạnh bếp lử hồng quá cụ thể làm nghèo đi ý nghĩa bài thơ. Lục bát lạc vần ở từ câu 12 sang câu 13; sai luật câu 9 “Mong con trẻ cười luôn luôn”; sai chính tả câu 8 “liu riu” chứ không phải “liêu riêu”. Thật tiếc!


VLTD-20

Thật hạnh phúc cho những ai còn mẹ! Câu nói đó đã nói thay lời biết bao tâm hồn, nhất là những ai đã từng mất mẹ mới càng thấm thía hơn. Nội dung bài thơ viết về nỗi xót đau quằn quại của đứa con trong tưởng nhớ đến người mẹ hiền đã về cõi vĩnh hằng. Khổ thứ nhất, thứ ba và thứ tư dùng từ ngữ, sự phối thanh rất hay, nhưng vì dụ cụ thể ở 2 câu cuối của khổ thứ 2 lại làm mất đi tính khái quát. Hơi tiếc. Có lẽ thời gian không có nhiều nên bạn chưa tập trung nên viết có vẻ hơi gượng.

Khổ kết rất hay dù biết rằng ước muốn kia khó lòng thành hiện thực nhưng hầu như ai đã mất mẹ cũng đều có chung mong ước như bạn. Chữ “lệ đau” rất đắt. Tứ thơ 8 chữ gieo vần tiếp tác giả viết rất khá và chứng tỏ nghề viết, cũng như năng khiếu của bạn có nhiều ưu điểm. Tôi đánh giá thơ bạn còn tiến xa, tuy nhiên không phải ở bài này. Lội chính tả “rát bỏng” chứ không pgải “rát bổng”. Cám ơn bạn dự thi.



VLDL-02
Cám ơn bạn đã viết một bài thơ rất cảm động về mẹ. Ý thơ không mới do biển rộng, non cao mọi người vẫn thường không chỉ trong thơ văn mà cả đời thường nhắc và so sánh với công sinh thành, dưỡng dục. Những hình tượng một nằng hai sương hay ba chìm bảy nổi cũng vậy. Những cặp đối khá thành công do đối rất chỉnh, đặc biệt là “mòn vóc chịu” và “rát vai gồng”. Tuy nhiên bố cục luận và thực đã bị đảo lộn. Bài thơ có 4 vận nên cặp đầu đối rất đúng luật.

Bài thơ còn một vài lỗi nhỏ về thanh, lưng ong, bất luận, vần “cùng” thông nên không thật ngọt. Giá như dùng chữ “đồng” vừa cùng nghĩa vừa chính vận sẽ hay hơn. Ngoài ra chữ “dễ” chưa đạt, và chưa đối với “nào” .


VLTD-21
Tôi rất thích bài lục bát của bạn. Hẳn bạn là một tay ăn nhậu sành sỏi (nhớ có dịp mời tôi với nhé). Bạn lựa chọn thủ pháp đóng vai một con ma men đã hồi tâm nhưng chưa chắc chuyển tính (bởi trong bài không thấy nói tới). Rất nhiều câu thơ rất đắt như: “Bên chỗ ướt có mẹ nằm/ Chỗ ráo mẹ bọc kén tằm hồng son/ Nhau thai mẹ bọc vuông tròn/ Cả đời khó nhọc cho con hình hài!”. Chỉ tiếc bạn không biết chắt lọc vì ngay 4 câu mà tôi thích nhất trong bài lại phạm lỗi điệp ngữ “mẹ bọc” một cách đáng tiếc. Hơn nữa hình tượng “kén tằm hồng son” thật đắt lại bị lặp lại, tự dẫm lên ngón chân mình bằng 2 từ “nhau thai” không cần thiết.

Một lỗi nữa là bố cục bài thơ không suôn, không có được cái kết trọn vẹn dù đã mở ra hướng rất rõ nên mới đạt phần nửa (như đã nói ở trên: hồi tâm mà chưa chuyển tính). Chữ “trống hốc” hoặc đúng nhất là “tông hốc” mới chính xác chứ không phải “tống hốc”.


VLTD-22

Bài thơ nội dung rất khá vì bạn có chủ đề rất hay là người thực việc thực. Tiếc rằng bạn diễn tả chưa mấy đạt! Khúc đầu kể lể nên kém chất thơ, khúc cuối là thể thơ tự do vần tiếp, nhưng không trọn vẹn giữ được vần. Câu “Tháng bảy về mùa vu lan báo hiếu” nếu chịu khó suy nghĩ để viết “Tháng bảy về mùa Vu Lan nhắc nhở” thì vừa giữ được vần mà không thừa từ vì ai chẳng biết Vu lan là mùa báo hiếu.


VLDL-03

Bài thơ viết theo thể thủ vĩ ngâm là tiếng kêu xé lòng vì sự bất lực của kiếp nhân sinh nặng ơn sâu mà không có cách gì làm tròn đạo hiếu bởi nước khó lòng chảy ngược. Mẹ của tác giả chắc hẳn đã đi xa nên mới có thể viết những câu xúc động đến vậy. Mọi ân hận, mọi ước muốn được sử sai, bù đắp đều không còn cơ hội. Những cặp đối chỉnh và những tính từ, trạng từ gam mạnh, có tác dụng chuyển tải cảm xúc rất sâu sắc. Bố cục rõ ràng, mạch lạc. Ý thơ tuy hẹp nhưng không nghèo vì tác giả khéo chọn từ ngữ.

Bài thơ có một lỗi nhỏ về “nữu”, nhưng không quan trọng và không làm giảm ý nghĩa về một bài thơ Đường luật hay.



VLTD-23

Bạn chọn ý tưởng rất hay! Tôi thích những cái cụ thể như vậy vì nếu cứ nói đạo hiếu, công ơn sinh thành, dưỡng dục, trời biển... rất chung chung thì sẽ trùng lặp, ai cũng có thể viết ra mà không có nét gì riêng cả. Điều ước muốn của bạn đã nói hộ rất nhiều người con, chúng ta đã lớn nhưng luôn bé bỏng tròng lòng mẹ.
Bài thơ có những câu mà tôi rất thích như: “Mẹ nhai cho thắm lại màu/ Cho vôi hết bạc cho trầu hết xanh”. Cám ơn bạn.

Tiếc rằng tứ thơ lục bát truyền thống bị bẻ cong vần 2 câu: “À ơi... ơi hõi nắng chiều/ Đừng làm cho bóng mẹ hiền hanh hao” và “Mẹ ơi ru giấc mộng lành
Cho con nằm mãi... trong vòng tay yêu...”=> Đọc không được thanh thoát lắm



VLTD-24

Lại một lời tạ lỗi của đứa con đã “hồi tâm” mà “ý chưa kịp chuyển”? Ngay đầu bài đã đưa ra hai vế đối lập mà người mẹ thường phải hứng chịu, tuy rằng hơi độ ngột, nhưng ít nhiều bạn đã có thành công. Câu thứ 4 dễ hiểu lầm, dù tôi hiểu ý bạn là con cái luôn được mẹ coi như “mặt trời”. Ý tưởng này đã có người nói (Trường ca “Những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm mà nhạc sĩ Trần Hoàn đã trích phổ nhạc “Lời Ru Trên Nương”). Bài thơ của bạn chỉ có 2 điểm nhấn là hai cầu đầu và hai câu cuối. Tiếc là câu cuối cùng lại mắc lỗi văn phạm. Ngữ pháp tiếng Việt chỉ có dấu chấm lửng (ba chấm) và hai chấm đứng ( chứ không có 4 chấm (…) và hai chấm ngang (..). Hơn nữa sau các dấu, thường phải cách ra một khoảng, bạn viết liền tù tì thấy nhức mắt quá! Lỗi này do bạn cẩu thả. Thơ bạn viết tự do vô tổ chức quá, chỉ có khổ đầu gieo một vần cách (có người gọi là chéo 1 vần).


VLTD-25

Bài thơ của bạn có nội dung rộng vượt ra ngoài chủ đề một nửa (Sinh thành gồm cả cha và mẹ, nhưng chủ đề của cuộc thì có giới hạn là Mẹ thôi), nên có thể coi là không bám sát chủ đề. Tuy vậy, bạn đã thành công phần nào khi tạo ra nét riêng về hoàn cảnh của mình khác tác giả khác ở trong cầu đầu tiên. Đó là bạn là đứa con hiếm muộn và cha mẹ bạn đã lớn mới sinh ra bạn.

Tứ thơ của bạn 5 chữ vần tiếp dễ thương, dù không thật tròn vần (chính vận) nhưng cũng tạm suôn sẻ.

Bạn hơi cẩu thả vì đã mang “chuông đi ndánh xứ người”, tức là gửi dự thi mà không chăm chút cho đứa con tinh thần của mình, nên có những lỗi không đáng có. Ví dụ: (1) Sau dâu chấm câu không cách khoảng; (2) “địa đàng” bạn viết là “địa dàng”. Câu này hình ảnh “Theo dấu chân địa đàng” cũng chưa thật đạt ý.


VLDL-04

Qua bài thơ Đường luật tác giả muốn gửi gắm khát khao muốn đời của người con đã mất mẹ sẵn lòng đánh đổi tất cả để được một khoảng thời gian ngắn ngủi (nửa giờ) gần mẹ. Yếu tố thời gian tuy chỉ là ước lệ nhưng nó đã đạt được thành công, tạo ra điểm nhấn làm nao lòng người đọc. Tuy vần giờ lặp lại, nhưng vì 2 từ khác nghĩa nên không bị coi là “điệp vận”.

Câu “Khát tiếng ru dành thuở tuổi thơ” viết chưa thật khéo do bị những từ cùng thanh kế nhau. Nếu sửa lại “Khát điệu ru dành thuở bé thơ” thì thoát hơn và đọc nghe êm hơn. Bài thơ có một lỗi nhỏ về “nữu”, nhưng theo tôi ý nghĩa từ quan trọng hơn. Nhìn chung đây là bài thơ Đường luạt khá hay.
Signature:
Xì tin không xì trét...hê hê
Trả lời với trích dẫn
The Following 6 Users Say Thank You to Huyzozo For This Useful Post:
CM4Q (16-09-10), cô bé mưa (17-09-10), LAO HAC (16-09-10), Như Diệu Linh (16-09-10), Oasis (20-09-10), phale (16-09-10)
 
Loading...