Yêu mình
Chào các bạn,
Nếu ta muốn yêu thương tích cực với thế giới và đời sống này, trước hết ta phải thương yêu chính mình. Nếu mình không yêu thương quý mến chính mình thì làm sao mình có thể yêu thương quý mến người khác được?
Mỗi người chúng ta là một chủ thể đặc biệt, với hình dáng, cá tính và tâm tình đặc biệt. Trong gần 7 tỉ người trên thế giới, không ai giống ta cả. Trong các thử nghiệm về DNA, chỉ ít hơn 1% của một genome được thử nghiệm, nhưng kết quả từ các thử nghiệm này cũng cho thấy cơ hội để hai người trên thế giới có DNA giống nhau là dưới 1 phần triệu. Nếu toàn genome được thử nghiệm thì xác xuất này còn giảm xuống ít nhất là 100 lần, tức là 1 phần trăm triệu. (Đó là tính theo đường thẳng, nếu phải tính theo cấp số nhân thì xác suất đó có thể nhỏ đến mức không thể tưởng tượng). Và đó chỉ là nói đến DNA, nếu thêm vào đó kinh nghiệm, tâm tính và tình cảm của mỗi người, thì cơ hội để hai người trên thế giới hoàn toàn giống nhau là zero.
Tất cả các tôn giáo đều nâng niu tôn trọng đời sống con người. Trong các tôn giáo thuộc truyền thống Moses (Do thái giáo, Thiên chúa giáo, và Hồi giáo), con người được thượng đế tạo ra theo hình ảnh của ngài. Trong Phật giáo, “được làm người khó như một con rùa chột mắt, cứ mỗi trăm năm mới ngóc đầu lên khỏi mặt biển một lần, và t́m cách chui đầu vào lỗ nhỏ của một khúc gỗ trôi lềnh bềnh trên mặt nước, bị gió Đông, gió Tây, gió Nam, gió Bắc thổi trôi dạt hết phương này đến phương khác.”
Được làm người là một vinh dự khó có như vậy, được làm chính mình lại là một vinh dự càng hiếm có hơn. Vậy thì sao mình lại chẳng vui mừng về chính mình? Tại sao mình lại chẳng vui mừng về đời sống của mình? Tại sao mình lại chẳng yêu thương chính mình?
Ta không thể yêu thương và quý trọng người khác nếu ta không yêu thương và quý trọng chính mình. Muốn yêu người khác, ta phải yêu ta trước. Từ bi hỉ xả là tình yêu của ta đối với người khác, nhưng để thực hành, ta phải “phát lòng từ” về chính ta trước, sau đó mới mang lòng từ đến được với mọi người. Và yêu người thì “yêu như chính mình ta vậy.”
Nhưng yêu mình là yêu thế nào?
À, cách dễ nhất là bạn hãy nghĩ đến một người mà bạn yêu nhất trong gia đình—bố, mẹ, anh, chị, em—hay là cô hàng xóm cũng được, nếu bạn mới bị tiếng sét ái tình ngày hôm qua. Người mà bạn yêu thương nhất đó, bạn muốn người ấy làm gì cho chính mình? Bạn muốn người ấy:
Vui vẻ tươi cười (hay nhăn nhó phàn nàn) cả ngày?
Nói chuyện lúc nào cũng khen (hay lúc nào cũng chê)?
Yêu đời (hay thấy đời là đày đọa)?
Nói chuyện về hôm nay và ngày mai (hay cứ lãi nhãi chuyện 30 năm về trước mỗi ngày)?
Thấy mình có lợi ích cho những người chung quanh, ít ra là những người thân trong gia đình, (hay thấy đời mình vô nghĩa lý)?
Giữ gìn sức khỏe (hay ăn chơi vô độ)?
Hoạt động (hay để thân thể ù lì ứ đọng)?
Ăn uống cẩn thận (hay cứ đưa mọi thứ vào miệng mà không cần biết chúng sẽ làm gì cho thân thể)?
Mỗi người chúng ta có những ý thích khác nhau và có lẽ là cũng yêu hơi khác nhau một tí. Nhưng có lẽ bạn đã hiểu ý? Cứ những gì mình muốn thấy nơi người mình yêu, thì hãy tự làm trước đi đã. Biết đâu vì mình cứ làm, mà người kia lại chẳng làm theo? Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Chúng ta hay nói tôi yêu bố mẹ anh em, tôi yêu gia đình, tôi yêu thầy cô, tôi yêu đồng bào, tôi yêu đất nước. Nhưng có bao giờ bạn nói “Tôi yêu chính tôi” không? Chúng ta sẽ không bao giờ đi đến đích nếu chúng ta không biết điểm khởi hành.
Và yêu không phải chỉ là lời nói. Cũng không phải chỉ là cảm tính. Phần lớn nhất của tình yêu là hành động đó bạn ạ.
Chúc các bạn một ngày vui vẻ.
Mến,
Trần Đ́nh Hoành
|